Lượt xem: 589

Đặc tính một số giống vú sữa trồng tại huyện Kế Sách

Huyện Kế Sách là vùng trồng và cung ứng vú sữa xuất khẩu chính của tỉnh Sóc Trăng. Tính đến nay, diện tích trồng cây vú sữa trên địa bàn huyện là hơn 2.234 ha. Các giống vú sữa đang được canh tác trên địa bàn huyện gồm: Vú sữa tím (1.493 ha), vú sữa lò rèn (670 ha), các giống vú sữa tím tứ quý, bơ hồng và tím đào, có diện tích lần lượt là 33,5 ha, 28,9 ha và 10,2 ha. Trong đó, nhóm giống có màu tím khi chín như: Vú sữa tím, tím tứ quý và tím đào có nguồn gốc từ huyện Kế Sách và có một số đặc điểm nổi trội.

 


Đặc điểm hình thái vú sữa tím tứ quý

 

    1. Vú sữa tím

    Đây là giống vú sữa có nguồn gốc từ xã Xuân Hòa, cây “tổ” của giống này được trồng khoảng năm 1960 tại ấp Hòa Lộc, xã Xuân Hòa, sau đó được nhân rộng ra ấp Cứ Mạnh (xã Xuân Hòa), ấp 2 và ấp 3 (xã Trinh Phú) và nhiều xã khác trên địa bàn huyện.

    Trong điều kiện canh tác bình thường, vú sữa tím cho thu hoạch từ cuối tháng 11 đến tháng 3 dương lịch năm sau. Thời gian từ khi ra bông đến khi thu hoạch trung bình khoảng 8 tháng. Phiến lá hình elip, mặt trên màu xanh, mặt dưới có màu vàng nâu; chùm bông màu vàng nâu nhạt. Trái có hình cầu với đỉnh trái và đáy trái dạng tù (trung bình), khi chín trái có độ bóng vỏ trung bình đến khá với màu tím đậm. Mủ vỏ trái nhiều; thịt trái có màu trắng tím viền gần vỏ; cấu trúc thịt trái mềm, khá nhiều nước; vị ngọt (độ brix 13,07%), độ béo trung bình; độ dày vỏ: 7,78 mm; số hạt trung bình 4,3 hạt/trái; tỷ lệ ăn được 42,81%. Khối lượng trái: 250,20 gam/trái. Trái vú sữa tím có mẫu mã, quy cách và chất lượng đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu.

    Giống vú sữa tím dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất khác nhau, tuổi thọ của cây cao hơn vú sữa lò rèn nên được nhiều nhà vườn chọn để trồng.

    Sản phẩm trái vú sữa tím của Hợp tác xã Quyết Thắng, xã Xuân Hòa và vú sữa tím của Hợp tác xã Trinh Phú, xã Trinh Phú được công nhận là sản phẩm  OCOP 4 sao.

    2. Vú sữa tím tứ quý

    Giống vú sữa tím tứ quý được chọn lọc từ quần thể vú sữa tím trồng tại cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ vào năm 2000, đến năm 2014 được nhân rộng tại ấp Mỹ Thuận, xã Nhơn Mỹ với diện tích 3 ha. Giống vú sữa tím tứ quý đã được đăng ký giống bảo hộ độc quyền với Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng công nhận vườn cây đầu dòng. Đặc tính nổi trội của giống vú sữa tím tứ quý là cho trái quanh năm, khả năng chống chịu mặn cao hơn các giống vú sữa khác. Thời gian từ khi ra bông đến khi thu hoạch trung bình khoảng 6,5 tháng, ngắn hơn các giống khác 1,5 tháng. Phiến lá hình elip, có nhiều nếp nhăn, mặt trên màu xanh, mặt dưới lá và chùm bông có màu vàng nâu sậm hơn so với vú sữa tím. Trái có hình cầu với đỉnh trái dạng tròn và đáy trái dạng tù (rộng); trái khi chín có độ bóng vỏ nhiều với màu tím nâu. Mủ vỏ trái ở mức trung bình; thịt trái có màu trắng, tím gần vỏ; cấu trúc thịt trái mềm, khá nhiều nước; vị ngọt vừa (độ brix 11,72%), độ béo trung bình; độ dày vỏ: 6,48 mm; số hạt (trung bình): 6 hạt/trái; tỷ lệ ăn được 56,64%. Khối lượng trái: 264,42 gam/trái.

    Với đặc điểm cho trái quanh năm, giống vú sữa tím tứ quý có khả năng cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu liên tục nên rất thuận lợi trong liên kết và tiêu thụ. Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Du lịch cộng đồng Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ đang nhân rộng diện tích trồng giống vú sữa này để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

    Sản phẩm trái vú sữa tím tứ quý của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Du lịch cộng đồng Mỹ Phước được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

    3. Vú sữa tím đào

    Giống vú sữa tím đào được chọn lọc và trồng chủ yếu tại ấp Hòa Quới, xã Xuân Hòa.

    Canh tác theo tập quán nhà vườn, vú sữa tím đào thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 4 dương lịch năm sau; trễ hơn giống vú sữa tím khoảng 01 tháng. Thời gian từ khi ra bông đến khi thu hoạch trung bình khoảng 8 tháng. Phiến lá hình elip và lòng máng, đáy lá tù, đỉnh lá nhọn, mặt trên lá màu xanh đậm, mặt dưới có màu nâu đồng và có sự hiện diện của lông, phiến lá thường phồng rộp chạy dài theo gân chính của lá; chùm bông màu vàng nâu đồng. Trên tán lá, một số lá già chuyển sang màu đỏ. Trái có hình cầu cao với đỉnh trái dạng tù đến nhọn và đáy trái dạng tù (trung bình); khoảng 30-40% số trái có đáy nhọn giống trái đào nên nhà vườn tại Hòa Quới đặt tên giống là vú sữa tím đào. Trái khi chín có độ bóng vỏ khá với màu xanh tím; vỏ trái tím khoảng 15-20% là có thể thu hoạch. Mủ vỏ trái nhiều; thịt trái có màu tím trắng; cấu trúc thịt trái mềm, khá nhiều nước; vị ngọt vừa (độ brix 11,30%), độ béo trung bình; vỏ cứng, độ dày vỏ: 6,75 mm; số hạt (trung bình): 4,70 hạt/trái; tỷ lệ ăn được 50,71%. Khối lượng trái: 225 gam/trái.

    Với đặc điểm có thể thu hoạch khi vỏ trái chuyển tím 15-20%, vỏ cứng nên thuận tiện trong thu hoạch và vận chuyển; trái cho thu hoạch muộn hơn so với giống khác nên ít bị dội chợ. Các đặc điểm trên giúp cho giống vú sữa tím đào có ưu thế trong xuất khẩu. Giống này có ưu điểm là thích nghi với điều kiện đất đai bất lợi, tuổi thọ của cây cao hơn so với các giống vú sữa phổ biến hiện nay. Giống vú sữa tím đào được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng công nhận vườn cây đầu dòng.

    Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Xuân, xã Xuân Hòa đang tổ chức sản xuất và nhân rộng giống vú sữa tím đào để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

    Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các cấp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan phát huy lợi thế các giống vú sữa được xem như “quà tặng” do thiên nhiên ban tặng cho miệt vườn Kế Sách.

Vũ Bá Quan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 74
  • Hôm nay: 7653
  • Trong tuần: 78,360
  • Tất cả: 11,801,680